Mặc dầu là nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, nhưng những lễ hội hàng năm của Nhật Bản vẫn còn như nguyên vẹn. Mỗi mùa đều có những lễ hội khác nhau, mang đậm bản sắc văn hóa và tín ngưỡng của mỗi vùng. Tham gia vào những lễ hội này chúng ta sẽ có dịp hiểu thêm về lịch sử, văn hóa và con người tại đây, cũng như thêm yêu mến đất nước hoa anh đào.
“Hatsumode” là dịp đầu tiên đến đền chùa để cầu nguyện cho sức khỏe, cũng như mong ước những điều may mắn sẽ đến trong năm mới. Những đền chùa nổi tiếng đều chật ních người trong buổi “hatsumode” này, cũng như trong những ngày đầu tiên của năm. Bạn còncó thể rút quẻ để nghiệm thử xem năm nay vận may, sức khỏe, tiền tài, tình yêu…của mình ra sao, nhưng tất cả đều viết bằng tiếng Nhật. Tuy nhiên, nhiều người Nhật cho rằng họ đến đền chùa theo tập tục và truyền thống, hơn là lý do tín ngưỡng. Thường ai cũng ném một đồng xu vào trong một cái thùng đặt giữa cửa của ngôi đền chính tên là “saisenbako”, vỗ tay, và thầm cầu ước.
Ngày 3 tháng 2 hàng năm là lễ “setsubun”, nghĩa là ngày kết thúc mùa đông lạnh giá, tính theo lịch âm. Người Nhật thường mua đậu tương rang và vãi quanh nhà để xua đuổi ma quỷ và đọc “oni wa soko, fuku wa uchi” (tạm dịch: Điều không may thì ra ngoài, hạnh phúc thì vào trong nhà”.
Tiếp theo phải nói đến là mùa hoa anh đào. Hoa nở chạy dọc từ Okinawa bắt đầu từ cuối tháng 2 cho đến Hokkaido là vào đầu tháng 6, tuy nhiên hoa nở rộ ở nhiều nơi nhất là vào tháng 3-4 hàng năm. Lễ hội Hanami “ngắm hoa” được tổ chức vào dịp này. Bạn có thể thưởng thức một ly rượu sake và ngắm những bông hoa anh đào tuyệt đẹp, với những cánh hoa lơi lả bay trong làn gió còn lành lạnh của đầu xuân. Các công ty, cũng như bạn bè thân, gia đình, thường tổ chức đi ngắm hoa vào dịp này.
Trước khi mùa hè bắt đầu, những lễ hội được tổ chức ven sông được gọi là “kawabiraki”, và thường bắn pháo hoa “hanabi-taikai”. Người Nhật thường mặc áo kimono mùa hè “yukata” khi tham gia lễ hội.
Ngày 7/7 hàng năm có lễ hội “tanabata”, hay lễ hội vợ chồng chàng Ngâu. Trẻ em Nhật tin rằng những điều ước của mình sẽ trở thành hiện thực nếu viết những lời ước trên những tờ giấy sặc sỡ “tanzaku” và treo lên những cành tre trong dịp này.
Trên đây là một số lễ hội tiêu biểu cho nhiều vùng tại đất nước mặt trời mọc, tuy nhiên có hàng nghìn lễ hội khác nhau được tổ chức hàng năm, tùy theo phong tục truyền thống của mỗi địa phương, mà bạn có thể thấy ở ngay gần nơi mình đang sống và làm việc. Ví dụ có những lễ hội nhảy múa “bon-odori”, mà bạn có thể tham gia cùng với mọi người nhảy trong một vòng tròn, nhịp nhàng với điệu nhạc dân ca “min-yo”.
Có một số lễ hội có cả hàng ngàn người tham gia và diễu hành. Một số lễ hội thì mang tính hiện đại, có dàn nhạc, mô tô hộ tống, với những cô gái xinh đẹp nhảy múa. Tuy nhiên, một số lễ hội mang tính truyền thống, và người tham gia đều mặc các bộ lễ phục có từ xưa. Một trong những lễ hội kiểu này là lễ hội khiêng kiệu “mikoshi”.
Lễ hội “tori-no-ichi” được tổ chức vào tháng 11 tại các ngôi đền. Bạn có thể mua một thứ mang lại điều may mắn như “kumade” (hay cái cào), hoặc “otafuku” (một mặt nạ phụ nữ đang cười). Vào dịp cuối năm, truyền thống làm bánh nếp “mochizuki” được tổ chức tại nhiều nơi công cộng, đền chùa, vườn trẻ, hoặc tại nhà. Đôi khi có tai nạn xảy ra với người già, khi nuốt bánh nếp và gây tắc thở, mà báo chí năm nào cũng đưa tin vài vụ.
Trong đêm giao thừa “omisoka”, những hồi chuông gióng giả sẽ được ngân lên khi năm mới đến. Kiểu gióng chuông này được gọi là “joya no kane”, nếu may mắn, bạn sẽ được phép gióng chuông tại chùa trong dịp này.
homekyoto.com tổng hợp.
Các lễ hội trong năm của Nhật
Reviewed by Reiwa
on
July 31, 2017
Rating:
No comments: