Ngủ gật-đặc trưng văn hóa của người Nhật

Người Nhật có phải là dân tộc làm việc cực kỳ siêng năng hay không?
Có lẽ câu trả lời của bạn sẽ là “có” khi nhìn vào sự phát triển của nền kinh tế Nhật. Vậy chúng ta hãy thử xem xét điều đó dưới một góc nhìn khá thú vị. Thói quen ngủ gật của người Nhật.
Trong các hội nghị quốc tế, người Nhật vẫn thường bị chỉ trích về 3 chữ S. Đó là Smile, Silent và Sleep. (cười mỉm, im lặng, và ngủ)

Trong hội nghị của tổ chức lương thực và nông nghiệp thế giới FAO tổ chức tại Rome, hình ảnh một số thành viên trong phái đoàn Nhật đang gật gù trong giờ hội nghị làm người ta có cảm giác anh ta đang phiêu bồng trên một du thuyền nào đó trên đại dương. Đại biểu người Pháp thầm thì, “chắc là anh ta đang bị đau bụng”. “Không, chắc do sai lệch về múi giờ đấy mà”, đại biểu người Mỹ nhận xét.
Nhưng hoàn toàn không phải vậy, ngay trong nước Nhật người Nhật vẫn “gật gù” ở mọi nơi, mọi lúc. Trên xe điện, xe bus, trong thư viện, và thậm chí ngay trong các hội nghị, hội thảo và trong các cuộc tranh luận tại quốc hội. Một vài lần đầu nhìn thấy những cảnh này trên phương tiện công cộng, tôi nhủ thầm có lẽ do họ quá mệt mỏi sau những giờ làm việc căng thẳng nên họ tranh thủ chợp mắt một chút. Nhưng đến khi tôi thấy họ ngủ ở mọi nơi, mọi lúc thì tôi dần dần nghi ngờ không biết mình suy nghĩ như vậy có đúng không.
Đặc biệt trong các giảng đường đại học, hình ảnh các sinh viên gục xuống bàn ngủ trong giờ học là chuyện… hiển nhiên. Nhiều khi cả giảng đường 70, 80 sinh viên thì chỉ còn 7,8 người là còn tỉnh táo nghe giáo sư giảng.
Với những biểu hiện như thế này ngay trong giờ học và giờ làm việc, bạn có thể nghĩ rằng người Nhật, dân tộc Nhật là dân tộc rất siêng năng và cần cù không ?
Chúng ta hãy thử xem xét thực tế như thế nào.
Theo các nghiên cứu khoa học thì ngủ gật là một hình thức phát sinh nhằm giúp con người bù đắp lại sự thiếu ngủ, mệt mỏi và những áp lực trong công việc, cuộc sống. Theo điều tra của đài truyền hình trung ương Nhật NHK thì từ năm 1970 đến nay thời gian ngủ của người Nhật ngày càng giảm đi. Vào thời kỳ cực thịnh của nền kinh tế Nhật, trước những năm 90, trong một chương trình quảng cáo trên truyền hình thường có một câu khẩu hiệu như sau “ Hãy chiến đấu 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày, hỡi các businessman, những businessman người Nhật”. Câu nói này là câu nói tượng trưng cho lối sống của người Nhật. Mặc dù hiện nay các viên chức Nhật đã có thể nghỉ 2 ngày cuối tuần, thứ bảy và chủ nhật, nhưng thời gian làm việc của ngày thứ bảy lại được chia ra cho các ngày khác trong tuần. Vì vậy, thời gian buổi tối lại phải dành cho công việc. Đặc biệt là các nghị sĩ Nhật thường xuyên phải làm việc khuya, trên truyền hình thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy những cuộc họp được diễn ra vào lúc mọi người chuẩn bị đi ngủ và kết thúc vào sáng hôm sau. Hằng tháng vẫn có những cuộc tranh luận trực tuyến, qua đêm giữa các vị bộ trưởng, các nghị sĩ của các đảng đối lập được phát trên sóng truyền hình. Với thời gian làm việc như thế thì chúng ta cũng không thể trách được khi các ông nghị vẫn thường “nhắm mắt” trong các kỳ họp thượng viện.
Một nơi mà chúng ta có thể mục kích được nhiều người Nhật ngủ nhất có lẽ là trên các phương tiện công cộng. Khi di chuyển trên các phương tiện này, người ta luôn có cảm giác an toàn nên rất dễ dàng rơi vào giấc ngủ. Tại Tokyo và Osaka luôn có một hệ thống xe điện chạy vòng quanh thành phố, nếu bạn có lỡ ngủ quên thì cũng không sao, bạn có thể ngồi ngủ tiếp để chờ xe điện vòng lại một lần nữa.
Và mỗi khi nói đến chuyện ngủ gật, người Nhật thường trả lời rằng, xã hội Nhật là một xã hội rất an toàn. Chính vì an toàn nên người ta có thể an tâm nhắm mắt để nghỉ ngơi một cách thoải mái và dễ dàng. Trên các phương tiện công cộng, không bao giờ bạn phải lo lắng về chuyện mất đồ hay bị rạch túi. Tuy nhiên có một điều có thể làm cho bạn khá ngạc nhiên. Đó là người Nhật tuy ngủ nhưng lại giống như không ngủ. Bạn có thể thấy một người đang có vẻ như say sưa, phiêu bồng ở một chốn nào đó bỗng bật dậy, xuống đúng ga cần xuống khi tàu dừng lại. Hay một vị quan khách đang nhắm mắt trong một hội thảo vẫn có thể vỗ tay tán thưởng khi một bài phát biểu của ai đó vừa chấm dứt, và thậm chí còn phản biện lại. Như vậy trừ những trường hợp ngủ thực sự do quá mệt mỏi, thì tuy nhắm mắt nhưng các giác quan khác vẫn hoạt động. Tai vẫn có thể nghe những thông báo được phát đi trên tàu khi đến một ga nào đó, và vẫn có thể xuống đúng ga.
Ngủ gật-đặc trưng văn hóa của người Nhật Ngủ gật-đặc trưng văn hóa của người Nhật Reviewed by Reiwa on July 31, 2017 Rating: 5

No comments: