Nhật Bản du ký

Hầu hết du khách có ấn tượng tốt đẹp về Nhật. Có thể khi du lịch không bận bịu trăm thứ chuyện hằng ngày, khung cảnh và con người hoàn toàn khác nên du khách có cái nhìn dễ dãi, rộng lượng. Trong tinh thần ấy, những ghi chép sau đây chỉ là cái nhìn của người cưỡi ngựa xem hoa. Và giữa những điều nhìn thấy, chúng tôi không khỏi thắc mắc làm sao một nước Nhật kỹ thuật tân tiến dường ấy lại vẫn giữ được một cách tuyệt vời những tập tục ngàn xưa, hai thứ đối chọi mà hài hoà quyện vào nhau nhịp nhàng độc đáo. Khác với bất kỳ một dân tộc nào, người Nhật tự tôn mà kín đáo, ít lời mà nhiều ý, nhún nhường mà kiêu hãnh. Thái độ kính trọng người khác làm tăng sự kính trọng chính họ, cách gập người chào là hình thái của một dân tộc hết sức tự tin. Chưa hề thấy một chủng dân nào khả ái dường ấy dù đã từng là quân phiệt.

Dân Nhật chấp nhận cái mới và khác của người rồi nhào nhuyễn thành cái của riêng mình, cùng lúc vẫn bảo tồn cái căn bản riêng rất Nhật. Ví dụ về chữ viết, các nhà ngôn ngữ học cho là tiếng Nhật do nhiều nguồn gốc khác nhau tạo thành, đặc biệt từ nguồn Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ.
Có 4 cách viết : Kanji dùng chữ Hán(du nhập từ thế kỷ thứ IV); Hiragana là Kanji giản thể (phát minh giữa thế kỷ thứ IX khi liên lạc ngoại giao giữa Hoa -Nhật bị cắt đứt), được xem là chữ của đàn bà vì hình thức uyển chuyểnlịch sự; Katakana viết góc cạnh thường dùng cho con số hoặc chữ gốc ngoại quốc, nó không được vào hàng chữ viết nghệ thuật thư pháp nhưng góp phần vào cách viết tiếng Nhật hiện đại; Romanji hay Rômaji được phát minh do ảnh hưởng tiếng Anh, thường dùng cho các mẫu tự trong tự điển hoặc viết sách điện tử, chỉ dẫn du khách … Tất cả đã góp phần cho tiếng Nhật phong phú và độc đáo.
Có người nói vì đời sống Nhật luôn bị gò bó lễ nghi con người bị dồn nén, khi bung ra thì rất dữ dằn bắn giết vợ con, đồng nghiệp, vân vân. Nhưng các nước tự do như Mỹ tha hồ dùng súng, hay Pháp, Anh, Úc… cũng đầy rẫy những vụ giết người hàng loạt vì ác tánh hay chỉ vì muốn được nhắc đến tên mình. Vậy thì dù bị gò ép hay không, khắp nơi đều có cái ác. Dân Nhật hơn hẳn mọi dân khác là giữ được nền nếp kỹ cương và lòng tự trọng, nhân viên dưới quyền phạm lỗi là cấp trên tự động từ chức, ngay cả tự sát…
Trân trọng giới thiệu những điều nhìn thấy.
1. Phong cách Nhật Bản :
Chúng tôi hăm hở bước lên chiếc 767 Japan Air Lines đã thấy ở cửa máy bay một ông gập người chào mỗi hành khách bước tới. Vào trong các cô tiếp viên thi nhau gập chào, miệng tươi như hoa. Tuy không xinh đẹp duyên dáng như các cô E nhà mình, nhưng nụ cười họ nồng nàn, ánh mắt ân cần, cử chỉ trân trọng…, «cái nết đánh chết cái đẹp» thật là thấm thía.
Suốt ba tuần trên đất Nhật quen với nụ cười niềm nỡ và cái cúi đầu, chúng tôi cũng cúi chào – không những chỉ đáp lại lễ nghi của mỗi cá nhân mà còn chào thán phục nền văn hoá uy nghi vững chãi của dân tộc họ, nó ăn sâu và thể hiện khắp mọi nơi, mọi hoàn cảnh trong đời sống hằng ngày Nhật Bản.
Ở tiệm ăn dù cái đuôi dài ngoài cửa, họ vẫn không nhét khách vào bàn chỉ có một người, không đuổi khéo bằng cách dẹp vội vàng chén bát. Tiệm ăn Nhật có ghế dành cho khách chờ, chưa được mời khách cũng không tự động vào sục sạo tìm bàn. Tuyệt đối không một cộng rau mẩu giấy dưới đất. Ăn cơm Nhật vớiđôi đũa ngắn mà gắp cả nền văn minh của họ. Không được cắm đũa vào chén cơm, cũng không chuyển thức ăn từ đũa mình trực tiếp qua đũa người khác, vì đây là những hình thức dành cho tang lễ. Đũa dùng riêng cho mỗi người không gắp thức ăn chung. Thông thường mỗi người một khay riêng biệt. Chiếc đĩa trên cùng của chồng đĩa trên bàn luôn luôn có đậy tờ giấy che bụi.
Trên tàu lửa hay xe ca, nhân viên bán quà vặt hay soát vé ngừng ở cửa cúi chào mỗi khi ra-vào toa. Họ xin phép soát vé, găng tay trắng tinh, trả lại cám ơn cúi chào… từng ấy cử chỉ cho mỗi khách. Xong đi lui đến cửa, gập người chào lần nữa mới đi luôn. Nam hai tay duỗi thẳng áp phía trước hoặc hai bên đùi, nữ hai tay áp trước bụng, đầu ngón hướng về nhau. Các cử chỉ này thật cảm động dù không ai lưu ý, trừ vài khách lạ tò mò. Họ hành xử tự nhiên hầu như máy móc mà nét mặt nhu nhã nghiêm trang, thực hành cho mình, cho nhiệm vụ mình với lòng tự trọng.
An ninh chẳng biết có tuyệt đối không, nhưng thật tuyệt vời. Không thấy nhân viên công lực bởi chính mỗi người dân là một cảnh sát cộng tác âm thầm mà hiệu nghiệm, không phải chỉ điểm phá hại nhau, mà là để gìn giữ một nước Nhật an ninh, văn minh và cường thịnh. Tàu điện ngầm Tokyo vào giờ đi làm buổi sáng, có toa dành riêng cho quý bà. Một thanh niên du học Harvard về, mới hơn ba mươi tuổi đã được chân giáo sư đại học, viết sách viết báo, truyền hình truyền thanh phỏng vấn liên miên, là gương mặt đang trên đỉnh vinh quang cả nước Nhật chiêm ngưỡng và các cô mơ thầm. Đùng một cái anh bị hành khách tàu điện ngầm giải đến cảnh sát : về tội đã dùng kính hai lòng nhìn dưới váy các cô đứng bực trên trong thang cuốn. Từ đó mọi thứ tiêu tan. Thầy giáo tiếp sinh viên phải để cửa mở toang. Mấy năm trước có ít sinh viên châu Á sang Nhật, xe đạp không cần phải khóa, rớt cái ôba ngày có thể tìm thấy. Đi về trong đêm không cảm thấy e ngại, bóp xách cứ tung tăng thoải mái. Đây cũng là xứ sở biết quan tâm người khuyết tật, mọi ngã tư đèn xanh-đỏ đều có tiếng chim kêu báo hiệu người mù biết nên đi hay dừng. Ngã sáu-bảy có lúc tất cả mọi hướng xe đều phải ngừng cho khách bộ hành, các nơi này có lối băng xéo chữ X từ góc đường nọ qua góc đường kia. Băng qua đường mà họ cũng tôn trọng lệ ai tới trước đứng trước, tuyệt đối không chen lấn, không xen vào hàng trên dù chỗ đứng cách xa nhau rộng rãi.
Vệ sinh thì, trong khi Việt Nam bắt đầu chiến dịch «Phải nói không với xả rác và phóng uế ngoài đường», Pháp trở lại phong trào dạy trẻ nhặt giấy rơi ngoài phố và Singapore dầu nổi tiếng sạch sẽ vẫn phải cần đến hình phạt – thì Nhật Bản từ thuở nào đã sạch sẽ như lau. Mỗi người tự phạt chính mình, tự khép vào kỷ luật. Làm sao thành phố Tokyo đông đảo nhộn nhịp dường ấy, bất kỳ trạm tàu điện và phố phường nào cũng nườm nượp người tất bật mà chỉ khi đến Shibuya dạo phố đêm – một khu ngập người, nhiều ngoại quốc, khu ăn chơi với 8000 tiệm rượu một cây số vuông, nhiều con đường nhỏ rào rào tiếng chơi game người lớn, tiệm tùng ăn uống miên man…, mà chỉ thấy vài đầu thuốc lá trên đường, và chắc chắn của du khách lơ đãng. Người Nhật có thói quen tự giữ rác của mình. Dân hút thuốc luôn luôn có cái hộp gạt tàn nhỏ trong túi. Vừa ra khỏi tàu điện ngầm là khách nhào đến bỏ từng loại rác vào thùng ghi bên ngoài sách báo, chai lọ… Chỗ nào không có thùng rác thì rác riêng cứ nằm trong túi. Rác nhà được bọc trong bao ni lông nghiêm chỉnh, không một chút rơi vãi hay cột bao hời hợt, gom tại khu dành riêng che lưới bên trên để quạ khỏi mổ. Một đất nước như vậy, chẳng du khách nào dám bừa bãi. (Tại trạm tàu điện ngầm Shibuya này, giữa rừng người mênh mông tất bật, tượng đá con chó Hachikô an nhiên ngồi làm điểm đánh dấu cho những cuộc hẹn hò. Chuyện là xưa kia Hachikô ngày ngày đưa ông chủ đến ga này đi làm, chiều về nó đã chờ đón sẵn ở ga. Luôn luôn đúng giờ. Đến khi chủ mất đi, nó vẫn tiếp tục lộ trình ấy một mình, cho đến ngày theo hầu chủ bên kia thế giới. Đúng giờ tượng trưng cho chữ tín, người Nhật đúc tượng nó đặt tên Nghĩa Khuyển).
Và không như các hồ tắm cộng cộng ở nhiều nơi người ta chỉ xối nước qua quýt rồi nhảy xuống hồ. Bên Nhật để bước vào O furo, người ta đã tắm ở dãy phòng bên cạnh sạch sẽ, vào hồ chỉ để nằm thư dãn, che người bằng khăn trắng tinh được cung cấp. Tuyệt đối nước không ngưng đọng, không một gợn vết, dù chung đụng nhưng cực kỳ vệ sinh.
Trong tiệm ăn hay khách sạn không bao giờ được cho tiền «bo». Khách sạn truyền thống có phòng chung cho gia đình và phòng ăn riêng cho mỗi gia đình.Điểm rất ngộ không biết dân Tây có chịu nổi không, là nhân viên vừa gõ cửa, khách trọ chưa kịp trả lời là họ đã đẩy cửa vào phòng ngay, không chờ trả lời. Từ phòng bước ra là giày của khách hoặc dép khách sạn đã sắp lại ngay ngắn, mũi hướng ra ngoài. Đi chơi về, cứ như có Giáng Hương từ trong tranh bước rasăn sóc, cơm nước đã sẵn, mỗi gia đình với phòng ăn riêng và một cô phục vụ. Cô di chuyển trên hai gót nhẹ nhàng gọn ghẽ, phục vụ với cả hai tay và cái cúi đầu, chuyện trò vui tươi lễ phép. Đề nghị chụp hình, cô vui lòng ngay nhưng không chịu là người phụ nữ duy nhất trong ảnh với quý ông, e mang tiếng.
2. Sinh hoạt Nhật Bản :
Xe chạy bên trái. Tàu lửa, tàu điện ngầm hầu như lúc nào cũng đông người, đọc sách báo, ngủ đứng ngủ ngồi, nhưng đến trạm phải xuống là họ tự động thức dậy. Hoạ hoằn lắm mới có người nói điện thoại nhưng ghìm nhỏ giọng. Giới trẻ nếu cô cậu nào không ngủ thì chơi game hoặc âm thầm trao đổi lời nhắn trên di động, khúc khích một mình. Khi trò chuyện hỏi han thì nét mặt họ tươi sáng hẳn ra, chỉ dẫn tận tình. Gặp con nít trong thang máy, nó giữ cửa mời người lớn ra trước.
Trạm tàu điện ngầm và đường nào cũng có toa lét sáng bóng sạch sẽ cực kỳ. Chẳng mấy khi gặp người quét dọn mà lạ, vẫn tinh tươm ngăn nắp. Máy bán nước tự động đặt khắp nơi cả những đường rất vắng mà vẫn bình an.
Không đi theo tua hoặc không biết tiếng Nhật thì cũng khó xoay sở vì hầu hết đều ghi tiếng Nhật, một ít nơi ở Tokyo mới chua thêm tiếng Anh. Dù chẳng bập bẹ tiếng bản xứ và người bán trừ ở các cửa hàng du khách, chẳng ai nói tiếng Anh, nhưng vì họ không thách để được hời nên giá ghi bao nhiêu khách cứ nhắm mắt rút tiền trả bấy nhiêu. Ngay cả ở chợ, tờ bạc nào cũng tinh tươm thẳng thớm, đưa hai tay và thối lại cũng hai tay. Và hàng cá cũng tinh khôi sạch sẽ như hàng bánh kẹo, không chút nước rơi vãi dưới đất, không nặng mùi chợ búa. Đời sống cao, mắc mỏ, nhưng đồng lương đảm bảo được cho người dân nếp sống lương thiện.
Đại Học
Như hầu hết các nước tiên tiến, Đại học Nhật không phải là «học đại» và không cần quảng cáo «tiêu chuẩn quốc tế» mà lại vang danh quốc tế. Như Đại học Tokyo thành lập năm 1877 thời Minh Trị Thiên Hoàng, từ 1946 đến 1993 đã cung cấp cho đất nước 6 Thủ tướng ; và đoạt 4 Nobel từ 1968 đến 2002 ((hai nhà vật lý năm 1973 và 2002 ; hai nhà văn là Yasunari Kawabata (1899-1972, giải năm 1968) với Kenzaburo Oe (sinh 1935- giải năm 1994)). Vợ thái tử Naruhito, cô Masako Owada sinh năm 1963, tốt nghiệp đại học Harvard và nói lưu loát 6 thứ tiếng, đã học nơi đây. Masako là con một nhà ngoại giao, kết hôn với Thái tử Naruhito hồi tháng 6-1993, thường bị trầm cảm vì áp lực hoàng gia. Sau 8 năm lên xe hoa và nhiều lần sẩy thai, cuối cùng cô sinh được một công chuá năm 2001. Luật lệ «không chấp nhận phụ nữ lên ngôi» dự tính được xét lại, nhưng năm 2006 vợ hoàng tử Akishino sinh hạ một hoàng nam nên việc xét lại bị hủy bỏ. Dầu vậy theo luật cải tổ năm 1947 thì «hạn chế việc truyền ngôi cho hậu duệ các chi phái phụ», và nền quân chủ Nhật cũng chịu áp lực của dư luận là phần lớn dân chúng muốn canh tân hoá, chấp nhận dễ dàng một công chúa lên ngôi – nên trong tương lai có thể việc xét lại luật sẽ được đặt ra.
Đại học Tokyo dù bên trong là những dãy cao tầng hiện đại, nhưng để vào đó phải bước qua chiếc cổng mái cong màu đỏ, rất cổ kính. Cái cổng đỏ (Akamon) này do dòng họ lãnh chúa Maeda đã dựng nên vào năm 1827 để đón một quận chúa nhà Tướng Quân Tokugawa về làm dâu và thuở đó khuôn viên đại học hãy còn là khu phủ đệ của họ.Chung quanh cổ thụ bao bọc, trong sân trường có tượng các vị giáo sư ngoại quốc đầu tiên đã đến đây truyền bá kiến thức cho sinh viên. Nằm giữa phố xá Tokyo mà ngôi trường vẫn mang nét huyền bí riêng biệt, như bước khỏi chiếc cổng đỏ là bước vào một thế giới khác, cao xa lạ lẫm, như cô con gái bước qua một cuộc đời khác. Đặc biệt trường có bộ phận lưu trữ báo chí cho toàn nước Nhậtrất phong phú mà các nhà nghiên cứu nào cũng phải đến tham khảo nếu cần.
Kiến trúc
Ở Kyoto có rất nhiều công trình và vườn được bảo vệ với danh nghĩa tài sản văn hoá quốc gia hay địa phương. Không một nơi nào trên đất Phù Tang được số lượng và phẩm như vậy. Những nơi được Unesco xếp vào danh sách Tài sản của nhân loại thường nằm vào thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 19, chúng được chọn không phải chỉ do công trình kiến trúc sáng tạo vào thời ra đời, mà còn do nó mang tầm quan trọng lịch sử của vùng Kyoto nữa. Phần lớn các công trình kiến trúc của Nhật là bằng gỗ, và rất nhiều đã bị thiêu hủy vì chiến tranh hay hoả hoạn. Như chùa Kiyomizu nằm chênh vênh trên lưng chừng núi, bằng gỗ, từ thế kỷ thứ 8 và kiến trúc lại thế kỷ 17, là một biểu tượng đặc biệt của Kyoto. Chẳng hiểu sao bao nhiêu trận động đất chùa vẫn bình an, những thân gỗ kiên cố đỡ chùa nhô ra khỏi bờ núi đá tạo nên một thế chênh vênh lạ lùng đặc biệt. Người Nhật có cách nói «gieo mình từ Kiyomizu», diễn tả nếu còn sống thì ước nguyện gì cũng sẽ thành sự thực. Trong lòng thành phố chỉ còn lại rất ít công trình thế kỷ 16, lặng lẽ chìm lẫn mà cao sang giữa kiến trúc tân thời hiện đại. Kyoto là nơi nhiều chùa chiền nhất nước Nhật, khoảng 1600 cái, rộng rãi, bề thế như người đang «xuống tấn».Khác ta là nhiều cái hư hỏng được trùng tu, nhưng… không một người Nhật nào kêu gào về việc trùng tu. Ở đây cũng chẳng mấy khi gặp sư sãi, nhưng tuyệt đối không có con buôn chèo kéo, không một ai níu khách xin tiền. Giữa lòng thành phố ngược xuôi xe cộ, khách thập phương bước vào khuôn viên chùa đã thấy ngay lòng thanh tịnh, trang nghiêm.
Cũng khác ta là quạ bên Nhật không mang nghĩa xui xẻo, nó là biểu tượng của đội tuyển bóng đá quốc gia ; Cú, vì cách phát âm fukuro, mang vần gần chữ phúc nên cũng được ưu ái ; Chồn, ta xem là tinh quái khó lường, nhưng bên Nhật nó tượng trưng lúa gạo của cải. (Lịch sử văn học Nhật / Nguyễn Nam Trân).
X
Anh đào và Phú Sĩ :
Thật ra tiếng Nhật gọi hoa này là Anh, không có chữ đào. Có lẽ người mình thấy loại màu hồng nên gọi như vậy, nghe cũng du dương thơ mộng hơn. Anh đào và Phú Sĩ là hai biểu tượng đặc thù và là niềm tự hào dân tộc của Nhật.
Một ngọn núi trường cửu cao 3776 mét lừng lững uy nghi quanh năm tuyết phủ, một loại hoa mỏng manh chỉ sống rộn ràng mỗi năm vài tuần mà lại cùng đứng ngang nhau đại diện một quốc gia. Mâu thuẫn vậy mà hài hoà một cách độc đáo, như nền văn minh kỹ thuật và lễ nghi cổ kính luôn luôn song hành với nhau đặt Nhật Bản lên vị thế không một nước nào có trên thế giới.
Ai cũng biết nên đến xứ Phù Tang vào đầu tháng tư, khi anh đào nở rộ khắp nơi. Cũng có loại đào Đài Loan hoặc ở Okinawa nở từ tháng giêng, và có loại dọc bờ sông nở từ tháng hai, nhưng chỉ đến tháng tư thì toàn thể đất Nhật là một rừng hoa. Có thể ví von như phó mát Pháp : mỗi ngày một loại. Nhiều nơi con sông nằm giữa hai dãy phố đào-liễu mọc hai bờ, thơ mộng hiền hoà như Bruges bên Bỉ (được mệnh danh là Venise phía Bắc). Sông giữa phố mà chẳng có miếng giấy trôi hay bịch ny lông bềnh bồng. Cảnh đẹp như tranh thì có thể tìm thấy khắp nơi.
Đào tượng trưng cho nhan sắc phù du, vì vậy nó gắn liền với Samurai, một cuộc đời đẹp mà ngắn ngủi. Đào phảng phất khắp nơi trong đời sống người Nhật, trong văn chương kịch nghệ, hội hoạ và âm nhạc. Bài hát Sakura (Anh đào), là một bài hát rất phổ thông. Đào đi vào đạo Phật và Thần đạo. Người Nhật dùng hình ảnh nó để động viên dân chúng, khuyến khích tin rằng linh hồn lính chết trận sẽ hoá thân thành hoa đào. Trong thế chiến thứ hai, quân nhân thường vẽ hoa đào lên sườn máy bay mỗi lần thực hiện chuyến bay cảm tử. Cả đến ngày nay trong quân đội hay cảnh sát, trên lá cờ và huy hiệu, thay vào chỗ gắn ngôi sao thường lệ là cánh hoa đào.
Người Nhật thích gắn đời mình vào các mùa trong năm, thói quen này có gốc nguồn trong đạo hoàn toàn khác với các tín ngưỡng thờ một thần duy nhất. Ở đây tôn giáo mang nghĩa thẩm mỹ và hài hoà hơn là giới luật. Họ cho điều quan trọng là dù trong lãnh vực tôn giáo hay không, phải làm những việc thông thường với óc mỹ thuật và vào thời điểm chính xác suốt năm hay suốt cả đời người. Khi người Nhật theo bước chân bốn mùa, họ cảm thấy mình là một phần của Vũ trụ, và Thiên nhiên cưu mang họ. Điều này trấn an họ sâu xa, trong khi các giáo điều và giao ước với thánh thần không quan trọng lắm.
Với quan niệm đó, mở đầu chương trình truyền thông, sau khi cúi chào thật thấp đầu đụng xuống bàn, xướng ngôn viên thường nói Sáng nay trời lạnh… Chúng ta bước vào mùa thu… Hôm qua trời mưa để lại các vũng nước nhỏ… Hoa đào sẽ nở vào ngày… Đến ngày đó thì khắp các công viên, các bờ sông có đào lễ hội Hanami bắt đầu. Người nườm nượp. Đây là lễ hội hoa đào, là dịp bạn bè ngồi với nhau, saké và bia không thể thiếu, náo nhiệt nhưng không ồn ào. Không một cộng rác phiêu lưu khỏi lô thùng chứa đặt khắp nơi cho những ngày đặc biệt. Lễ hội này kéo dài khoảng hai tuần suốt thời gian hoa nở. Nhưng trên áo kimono, sản phẩm bằng giấy, chén điã… thì hoa đào nở quanh năm và suốt đời. Sakura cũng là tên con gái rất thông dụng. Ngoài một số thực phẩm dùng hoa đào, còn có loại trà hoa đào rất đặc biệt là ướp muối thật mặn, chỉ dùng dịp cưới hỏi. Những điều này đủ thấy hoa đào đối với dân Nhật mang ý nghĩa tâm linh quan trọng thế nào.
Năm 1912 Nhật đã tặng Mỹ 3000 gốc anh đào để thắt chặt tình hữu nghị đang nở hoa, và năm 1956 tặng thêm 3800 cây nữa. Thích đào Nhật mà đang ở Mỹ thì chờ mùa hoa nở đến Washington DC, hồ Tidal Basin. Vậy mà dân thủ đô ta đã nỡ lòng «hái lộc» sạch trong lễ hội năm năm 2008 khi cây anh đào vừa chào Việt Nam, năm 2009 chỉ có 6 cây, đã phải huy động 500 người canh gác với bảng nhắc nhở phải thương hoa ! Ôi, ta khác họ biết nhường nào, vậy mà họ vẫn tiếp tục biếu anh đào cho ta, đủ hiểu đây là một dân tộc can đảm cực kỳ!
Phú Sĩ nằm ở miền trung, là điểm cao nhất cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của nước Nhật. Sau lần phun lửa cuối cùng vào năm 1707, nó được xem là vẫn còn hoạt động mặc dầu yếu đi.
Hoạ sĩ KatushikaHokusai (1760-1849) với hoạ phẩm «36 góc nhìn của Phú Sĩ» theo bốn mùa, đã ảnh hưởng rất nhiều cho trường phái ấn tượng Tây phương, như Vincent van Gogh (1853-1980), Édouard Manet (1832-1883), Edgar Dégas (1834-1917) và Claude Monet (1840-1926)… Nếu trời quang mây tạnh, từ Tokyo có thể nhìn thấy đỉnh ngọn núi huy hoàng này. Hình thể nó đều đặn ít thấy ở ngọn núi nào, hai sườn thoai thoải trải dài trên 30km, đỉnh quanh năm tuyết phủ có đài khí tượng, rất thường có gió. Và mặc dù thời tiết khắc nghiệt, Phú Sĩ là một điểm hẹn rất thịnh hành của dân Nhật. Người ta lên đó qua đêm lạnh buốt để sáng hôm sau ngắm cảnh thái dương ửng đỏ ở chân trời. Nó uy nghi thả ánh mắt xuống 5 hồ nằm gần đấy, nơi mỗi sáng mỗi chiều khách bộ hành thơ thẩn bên bờ và ca nô hay du thuyền thong dong ngắm cảnh.
Hạc cũng là biểu tượng độc đáo của Nhật.
8 giờ 10 phút sáng ngày 6-8-1945 Hiroshima vẫn còn nguyên vẹn, bắt đầu sinh hoạt. 8 giờ 15 đã tan tác tro bụi. Toàn thể Hiroshima chỉ còn trơ lại bộ sườn vài cơ sở, đặc biệt là Vòm Genbaku (dome de Genbaku) cũng còn gọi là Vòm Bom Nguyên Tử mà đã một thời người Nhật bàn cãi nên phá đi hay giữ lại. Phá đi vì đó là dấu vết xấu xa của chiến tranh, giữ lại vì kỷ niệm. Và kỷ niệm đã thắng. Năm 1995 đã được xếp vào hàng di tích lịch sử để rồi năm tiếp theo được nằm trên danh sách di sản thế giới của Unesco mang tên chính thức là «Mémorial de la paix d’Hiroshima».
Nhưng Hiroshima không ngừng lại ở chỗ hoang liêu tang tóc mà cố vươn lên. Khởi công từ những năm 1950 đến 2003, khu công viên thênh thang 12 hécta này, ngoài viện bảo tàng trưng bày hình ảnh Hiroshima điêu tàn sau 8 giờ 15 sáng ngày 6-8-1945 và hoạt cảnh người bị chảy mỡ bằng sáp, còn có phần mộ không xác làm theo kiểu mẫu nhà xưa bằng đất sét của người Nhật, là nơi che mưa gió cho toàn thể linh hồn những người đã ra đi trong ngày đau buồn ấy. Và cách đó không xa, Ngọn lửa Hoà bình sẽ không tắt vì đã được ghi chú là nó sẽ cháy mãi khi mà bom nguyên tử vẫn còn được chế tạo. Mỗi lần nước nào trên thế giới có cuộc thử bom nguyên tử là thị trưởng Hiroshima đều viết thư chính thức phản đối. Và lá thư được dán trong viện bảo tàng Memorial Museum.
Ra khỏi viện bảo tàng, vươn lên trời xanh tượng một bé gái dang tay tung con chim hạc bằng vàng, bên dưới ghi «Đây là tiếng kêu của chúng tôi. Đây là lời cầu nguyện của chúng tôi. Để xây dựng hoà bình trong thế giới». Đó là câu chuyện bé Sadako Sasaki, hai tuổi lúc Hiroshima bị dội bom. Năm 11 tuổi bịnh nặng, Sadako nghe lời bạn cố thắt đủ ngàn con hạc vì theo truyền thuyết sẽ giúp ước mơ thành sự thực. Được 644 con thì em chết. Bạn bè thắt thêm, đặt vào quan tài em ngàn cánh hạc. Hạc đối với dân Nhật rất quan trọng, nó là biểu tượng của sự trường sinh, nên hình ảnh những con hạc nhỏ đã nhanh chóng đi vào truyền thống, mỗi lần có người thân đau nặng thiên hạ lại thắt ngàn con hạc. Nó cũng trở thành biểu tượng của thế giới ao ước hoà bình. Và mãi đến giờ, hằng năm học sinh khắp thế giới vẫn thắt hạc đủ màu gửi đến công viên Hiroshima.
Và tại sao Hiroshima mà là không nơi nào khác? Trên danh sách làm thí điểm đầu tiên ném bom nguyên tử có Kyoto, Hiroshima, Yokohama, Kokura, và Niigata. Nhưng Kyoto thoát được nhờ nhiều nhà cố vấn phản đối, nhất là nhà đông phương học người Pháp Serge Elisseeff (1889-1975) biết rõ kho tàng văn hoá của thành phố này, một báu vật của văn minh nhân loại. Lý do nữa là vì Hiroshima không có tù binh đồng minh. Phim Mưa Đen của Shohei Imamura (1926-2006) lấy lịch sử Horoshima làm bối cảnh nói lên rất nhiều nỗi đau và nỗi nhục của một dân tộc bị nhiễm bịnh và bại trận.
x
Rolland Barthe viết Empire des signes, Đế quốc các dấu hiệu, cảm nhận của ông khi viếng Nhật năm 1970. Một đất nước diễn tả bằng lời thì ít, mà bằng dấu hiệu thì nhiều. Như chiếc kimono, geisha thì obi thả giải dài xuống sau lưng, sinh viên phủ váy ra ngoài, các bà không phủ váy và obi thắt nhiều kiểu rất đẹp. Chưa chồng tay kimono dài, có chồng tay áo ngắn hơn. Con gái tóc thả lơi, có chồng thì búi cao… Nghệ thuật Ikebana, mỗi bình hoa nói lên điều gì đó, diễn tả nỗi niềm hay phong cách, ngay cả đề cập đến thiên nhiên. Cũng hơi… rắc rối !
Hiểu được người Nhật là điều không dễ nhưng kính trọng người Nhật qua cách sống thì khắp nơi trên thế giới đều phải nghiêng mình. Văn hóa này không thể định được thời gian mất bao nhiêu năm, cái chính là ý thức của mỗi con người, và điều này cần rất nhiều đến giáo dục học đường.
Xuân Sương
Paris, avril 2009
nguồn AMVC http://amvc.free.fr
Nhật Bản du ký Nhật Bản du ký Reviewed by Reiwa on July 31, 2017 Rating: 5

No comments: